Moodboard trong thiết kế nội thất
Nếu bạn quan tâm tới lĩnh vực thiết kế nói chung và thiết kế nội thất nói riêng, chắc hẳn đã từng biết về thuật ngữ “Moodboard” – dịch nôm na là “Bảng tâm trạng”, để có một khái niệm chính xác chắc hẳn vẫn còn nhiều thắc mắc. Vậy Moodbard là gì? Moodboard trong thiết kế nội thất đóng vai trò như thế nào? Bài viết dưới đây hy vọng sẽ là câu trả lời hữu ích cho những điều mà bạn đang thắc mắc.
Moodboard là gì?
“Moodboard / Mood board / Bảng tâm trạng” là một bảng tập hợp các thử nghiệm (hình ảnh, văn bản, mẫu đối tượng) được đặt cạnh nhau, các thử nghiệm này có thể lựa chọn dựa trên một chủ đề hay một sự ngẫu nhiên nhưng luôn hướng tới mục đích làm sáng tỏ hình dung về một không khí chung, sắc thái, cảm giác, tâm trạng, phong cách của ý tưởng mà bạn muốn hướng tới.
Moodboard có thể ở dạng vật lý với những hình ảnh cắt dán thủ công, mẫu vật liệu đặt cạnh nhau hay một bức hình đồ họa được cắt ghép nhờ công nghệ kỹ thuật số.
Ngày nay, các nhà thiết kế chuyên nghiệp ở các lĩnh vực đồ họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, nội thất sử dụng moodboard như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình sáng tác, đây là một bước khởi đầu quan trọng giúp hoạch định rõ hướng đi của thiết kế sau này.
Moodboard có làm mất đi khả năng sáng tạo không?
Tùy theo quan điểm của mỗi cá nhân còn với chúng tôi câu trả lời đơn giản là “Không!”. Vậy tại sao?
Không có sự sáng tạo nào xảy ra mà không dựa trên những thứ sẵn có. Có ba thành phần cơ bản của sự sáng tạo.
– Expertise: Sự hiểu biết về chuyên môn, các kỹ năng liên quan tới lĩnh vực
– Creative – thinking skills: Cách chúng ta tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt và giàu trí tưởng tượng
– Motivation: Động lực và đặc biệt động lực đến từ nội tại
Sáng tạo là một quá trình kết nối bởi nhiều yếu tố, mỗi con người là một cá thể độc nhất với tư duy trừu tượng khác biệt, vậy đừng ngần ngại tìm kiếm những nguồn cảm hứng từ thế giới quanh xung, chắt lọc từ những nguồn thông tin khổng lồ vào thời đại ngày nay để tạo cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc.
Moodboard trong thiết kế nội thất
Nếu bạn là chủ đầu tư hay người thiết kế, đã bao giờ bạn gặp phải trường hợp mất định hướng, không hiểu bản thân muốn gì? Vậy hãy nhìn lại một chút về quá trình thực hiện Moodboard.
Sử dụng kỹ thuật “phễu”
Đừng ngần ngại khi tạo ra những bảng tâm trạng khác nhau ở mỗi giai đoạn của dự án. Ở giai đoạn đầu, Moodboard có xu hướng trừu tượng, giải quyết về cảm xúc nhiều hơn việc đi sâu vào những ý tưởng hay nét vẽ cụ thể. Những giai đoạn sau, càng đến gần cuối thì Moodboard càng trở nên cụ thể hơn, nó không khác gì với “danh sách mua sắm” cho một ngôi nhà.
“Cắt bánh”
Bắt đầu bằng việc suy nghĩ về cách bạn sử dụng không gian, thử hình dung khi bạn sống ở đó? Bạn muốn trông nó như thế nào? Một số người biết chính xác những chức năng nào cần ưu tiên, những người khác thấy nó phức tạp hơn.
Bạn sẽ dành bao nhiêu giờ trong ngày, trong tuần cho mỗi hoạt động, hoạt động nào bạn cảm thấy là quan trọng nhất. Vẽ sơ đồ vòng tròn để phác họa các hoạt động bạn dành thời gian ứng với độ lớn của miếng “bánh”. Điều này giúp bạn dễ dàng có được cái nhìn tổng quan về mức độ ưu tiên trong thiết kế.
Thành phần của moodboard bao gồm những gì?
Đơn giản không có công thức chung nào cho Moodboard. Mỗi người là một cá thể khác nhau. Một số người cảm thấy dễ dàng hình dung ra kết quả cuối cùng trong đầu họ, những người khác cần nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ hơn. Dưới đây là một số yếu tố nhưng cũng không có gì bắt buộc vì bạn là người quyết định những gì bạn cần.
1. Cảm nhận và mục tiêu
Hình dung → Xác định mục tiêu tìm kiếm → Tìm kiếm → Quyết định “cảm nhận và mục tiêu”
Thử hình dung về cuộc sống khi bạn có một căn hộ, bạn mong muốn sẽ làm gì ở đó sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc? quây quần với gia đình bên mâm cơm, nằm dài trên chiếc sofa xem truyền hình, nhâm nhi ly trà nóng cùng người thân hay mở một bữa tiệc vui vẻ với bạn bè? Hãy xác định những điều bạn muốn và cần ghim nó lên tấm bảng của mình.
Lần theo những chủ đề đó, hãy ra ngoài và tìm kiếm những hình ảnh và ý tưởng khiến bạn thấy hứng thú. Giữ một tâm trí cởi mở, phân tích những gì khiến bạn cảm thấy căn phòng này trở nên đẹp, những giải pháp thông minh, màu sắc, ánh sáng… hay bất cứ điều gì khiến bạn lay động, tim đập nhanh hơn. Tạp chí, tài liệu quảng cáo, Internet là những nguồn cảm hứng vô song. Nhưng đừng quên về nhu cầu và mục tiêu của mình, nếu không có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái bối rối, dễ bị lạc lối trong giai đoạn này. Tuy nhiên, dù có lạc lối thì điều này cũng không quá quan trọng, nó chỉ là tạm thời, một cuộc thử nghiệm về ý tưởng, khẩu vị mà thôi.
Sau cùng, dành một chút thời gian để xem xét các ý tưởng để đưa ra quyết định cuối cùng và tìm ra những gì bạn thực sự thích và mong muốn.
2. Ngoại thất
Có rất nhiều yếu tố đến từ kiến trúc mặt ngoài của ngôi nhà và nó giúp thúc đẩy quá trình lên moodboard của bạn, cụ thể như phong cách ngoại thất, thời kỳ, kết cấu, màu sắc của mặt đứng, những nhà kế bên…
3. Phong cách nội thất
Khi đã xem qua một số lượng hình ảnh nhất định, phong cách ưa thích sẽ dần được định hình trong tâm trí bạn, việc tiếp theo là sắp xếp và chọn lọc để mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Ba điều bạn cần lưu ý trong giai đoạn này:
- Hãy nhớ rằng bạn thích điều gì nhất? Loại bỏ bất cứ điều gì không đạt 100% như mong muốn
- Điều gì có thể đạt được và điều gì nằm ngoài tầm với? Không gì khiến bạn chán nản hơn bằng việc cố gắng cho một thứ mà cuối cùng không thể thực hiện được
- Điều gì phù hợp và không phù hợp với bạn ở hiện tại và tương lại?
Khi số lượng ảnh được giảm bớt, nội dung của Moodboard sẽ trở nên dễ hiểu hơn. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Điều gì đặc biệt thu hút bạn trong những hình ảnh này? Những đặc điểm gì tạo nên phong cách? Vậy cần phải tuân theo yếu tố nào để đạt được điều tương tự trong ngôi nhà của mình? Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể trả lời được những câu hỏi trên:
- Lựa chọn nội thất và phụ kiện chính đi kèm
- Hình dạng và đường baocủa không gian, vật thể
- Các chi tiết như trần, sàn, tường, tranh ảnh nổi bật
- Ánh sáng tự nhiên, đèn tạo nên không khí trong căn phòng
- Thảm và sàn nhà
- Thực vật (lá hay hoa…)
- Cảm nhận chung về không gian (hiện đại, cổ điển, tối giản, ấm áp…)
- Bảng màu (nóng, lạnh hay trung tính…)
4. Đồ nội thất sẵn có
Những món đồ đã gắn bó trong suốt nhiều năm hay bất kể thứ gì bạn không muốn thay đổi, đôi khi là điểm xuất phát tuyệt vời của quá trình thực hiện Moodboards. Điều này giúp bạn dễ dàng tích hợp giữa cái mới và cũ, có thể chúng sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho bảng màu hay một phong cách bền lâu vì dựa trên những thứ thực sự được yêu thích, đôi khi sẽ hấp dẫn hơn cả những gì theo xu hướng mới.
Để đưa những chi tiết cũ vào Moodboard, bạn có thể tìm kiếm trên Internet những bức ảnh đồ nội thất tương tự hay đơn giản chỉ cần chụp bằng điện thoại.
5. Bảng màu
Sự hòa trộn của màu sắc là nền tảng tạo ra một không gian nội thất thành công sau này. Vì vậy chúng ta cần hiểu về đặc điểm, cách nó hoạt động để định hình cho mình một bảng màu xuyên suốt không gian. Ở loạt bài viết sau chúng tôi sẽ đề cập về vấn đề này.
6. Bảng vật liệu
Hãy xác định những vật liệu cơ bản mà bạn muốn chúng xuất hiện trong không gian. Bạn thích gỗ màu sáng hay tối? Bạn thích kim loại ấm hay lạnh (crôm, bạc, thiếc, đồng…)? Bạn thích vật liệu tự nhiên hoặc sơn tĩnh điện? Bạn thích loại vải gì (họa tiết hay màu trơn, chất liệu satin, linen hay nhung)? Nếu moodboard của bạn là dạng vật lý, bạn có thể tìm đặt mẫu sản phẩm từ các nhà sản xuất và bán lẻ, điều này giúp bạn dễ dàng đưa ra một thử nghiệm trực quan nhất khi tất cả được đặt cạnh nhau.
7. Sự gợi cảm
Một dự án nội thất có thể dễ dàng dừng lại đơn giản ở những gì chúng ta nhìn thấy. Nhưng điều chúng tôi muốn đề cập ở đây đó là cảm nhận của bạn khi ở trong đó như thế nào? Các giác quan của chúng ta sẽ tiếp xúc với không gian đó ra sao? Bạn cảm thấy gì khi chạm vào nó? Bạn muốn mùi hương của gỗ hay các loài hoa? Âm thanh nào sẽ bao trùm không gian? Có ký ức hay những mơ mộng thời thơ ấu mà bạn muốn kích hoạt hay không?
Lời kết
Qua những chia sẻ trong bài viết này, chúng tôi hy vọng mang lại cho bạn một cái nhìn rõ nét hơn về vai trò của Moodboard trong thiết kế nội thất và có thể vận dụng nó như một phương tiện hữu ích để diễn đạt không gian mà bạn liên tưởng.
Chúng tôi biên soạn bài viết bằng những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình hành nghề, tổng hợp và biên dịch nguồn tài liệu khác nhau.
https://www.hbs.edu/ris/Publication%20Files/12-096.pdf
The interior design handbook – Frida Ramstedt
The interior design – Chris Grimley + Mimi Love